Cuối tháng 7, tổ soi đường bí mật vượt sông, luồn rừng nhằm hướng sân bay để đi. Đi được 15 ngày, hết lương thực, các anh đành phải quay về căn cứ. Ngay sau đó một sáng kiến được đưa ra, đó là dùng kỹ thuật ém lương thực theo kiểu “sâu đo” dọc tuyến đường hành lang vào đến sân bay Udon.
Ba chiến sĩ của đội, mỗi người mang hơn 30kg lương thực, đến vị trí A để lại 10kg, chôn kỹ và đánh dấu rồi quay về. Cứ thế từng chuyến lương thực được chuyển đến vị trí B, C, D… trên suốt chặng đường dài.
Đầu tháng 8-1972, tổ soi đường đã liên lạc được với một cơ sở lực lượng cách mạng của ta trên đất Thái Lan. Hàng ngày, các anh thường đóng giả người dân Thái Lan nhằm thực hiện nhiệm vụ trinh sát khu vực sân bay.
dac cong vn diet 8 chiec b52 o thai lan nhu the nao
Những chiếc B52 của Mỹ đang chờ đi ném bom miền Bắc Việt Nam.
Tuy hành lang vừa mới được hình thành, nhưng với ý chí quyết tâm phá hủy máy bay B-52 tại sân bay Udon nên Đoàn A54 thực hiện kế hoạch: vừa trinh sát mục tiêu, vừa đưa đội hình chiến đấu đi theo, trinh sát tới đâu, hoàn chỉnh phương án chiến đấu đến đó, nếu thời cơ cho phép sẽ tiến hành đánh ngay.
Cuối tháng 8-1972, một đội hình chiến đấu gồm 10 người được thành lập do đồng chí Đào Đức Hạnh – Đoàn trưởng Đoàn A54 chỉ huy, vượt biên giới, luồn rừng tới cơ sở cách mạng của ta ở Thái Lan (Căn cứ 07). Trong tháng 9-1972, đội thực hiện nhiệm vụ trinh sát tạo hành lang từ Căn cứ 07 đến sân bay Udon, nhằm xác định vị trí tập kết, xác định đường, hướng đột nhập vào sân bay.
Đêm ngày 1-10, đội hình chiến đấu bắt đầu cơ động vào sát khu vực sân bay Udon. Lúc này trời mưa to, gió lớn, phải đến gần sáng ngày mùng 2, đội mới tới được gần sân bay. Trời sắp sáng, sợ lộ bí mật, mọi người phải phân tán ẩn nấp chờ đến khi trời tối để vào trinh sát mục tiêu.
Phương án đánh B52 lần này là dùng mìn nổ chậm, nếu bị lộ thì chuyển sang đánh nổ ngay. 8 đồng chí trong đội hình chiến đấu chia làm 3 tổ, trong đó 2 người có nhiệm vụ mở cửa và bảo vệ cửa mở; 4 người đánh phá máy bay, 2 người đánh phá kho xăng.
Tối ngày 2-10-1972, hai tổ chiến đấu tiềm nhập vào sân bay, tổ mở cửa triển khai bảo vệ đầu cầu. Theo hiệp đồng chiến đấu, sau khi cài đặt lượng nổ, mìn hẹn giờ vào mục tiêu, cả 2 tổ phải rút ngay để kịp rời sân bay trước khi trời sáng. Nhưng đã quá giờ hiệp đồng, trời sắp sáng mà tổ mở cửa vẫn không thấy 2 tổ chiến đấu quay trở lại.
Tại vị trí tập kết, chỉ huy trận đánh nóng lòng nghe tiếng nổ vọng ra từ khu vực sân bay nhưng không gian bốn bề vẫn tĩnh lặng. Cho tới 10 giờ sáng ngày mùng 3-10-1972, khi nghe những tiếng nổ liên hồi từ phía sân bay, tổ đánh kho xăng và tổ mở cửa mới gặp được nhau, 4 người còn lại của tổ đánh B-52 vẫn chưa thể thoát ra được.
Tất cả những thông tin Udon bị đặc công Việt Nam đánh bom, phía Mỹ đã ém nhẹm, không một phương tiện truyền thông nào đưa tin. Sau một thời gian dài, ta mới biết tin 3 người lính đặc công là Phan Xuân Kính, Phạm Văn Lãm, Vũ Công Xướng đã hy sinh ngay tại sân bay, đồng chí Nguyễn Khắc Nga bị thương nặng và bị địch bắt. 23 máy bay B-52 của Mỹ, 1 trạm điện, 1 kho xăng đã bị phá hủy trong trận đánh này.