Thực hiện Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27.8.2021 của Chính phủ quy định
về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học
tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, Hải Dương đang xây
dựng phương án tăng học phí tại các trường mầm non, giáo dục phổ thông
công lập. Thông tin này được nhiều
người dân quan tâm trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá và Bộ Tài
chính dự kiến đề xuất Chính phủ chưa tăng học phí trong năm 2022-2023.
Đề xuất tăng ở mức thấp nhất
Theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP thì từ tháng 8.2021, các tỉnh, thành phố
trong cả nước đã phải áp dụng mức tăng học phí cho các trường mầm non,
giáo dục phổ thông công lập. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19
nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị Chính phủ cho lùi lại và bắt đầu
áp dụng từ năm học 2022-2023.
Theo đó, khung học phí cho cấp mầm non từ năm 2022-2023 sẽ là
300.000-450.000 đồng/tháng ở khu vực thành thị và 100.000-220.000
đồng/tháng ở khu vực nông thôn. Cấp THCS lần lượt là 300.000-650.000
đồng/tháng, 100.000-270.000 đồng/tháng và với cấp THPT là
300.000-650.000 đồng/tháng, 200.000-330.000 đồng/tháng. Mức học phí mới
áp dụng theo Nghị định 81 từ năm học 2022-2023 so với năm học 2021-2022
sẽ tăng ít nhất 1,5 lần; tăng theo lộ trình đến năm học 2025-2026 và bảo
đảm các năm học sau tăng bình quân không quá 7,5%.
Thực hiện quy định này, Sở Tài chính đã chuẩn bị tờ trình về phê duyệt
phương án mức thu, chế độ thu, nộp quản lý, sử dụng học phí và các khoản
thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại các trường mầm non,
giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương để UBND tỉnh,
HĐND tỉnh xem xét. Việc xây dựng khung học phí mới cũng là cơ sở để HĐND
tỉnh quyết định mức hỗ trợ học phí cho học sinh tiểu học ở những nơi
chưa đủ trường công lập. Sở cũng đã xin ý kiến đóng góp của các ngành
liên quan và niêm yết mức phí mới trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh
để nhân dân tham gia góp ý kiến.
Bà Nguyễn Thị Vi, Phó Trưởng Phòng Quản lý giá và Công sản (Sở Tài
chính) cho biết theo dự thảo tờ trình thì Hải Dương dự kiến tăng học phí
theo mức thấp nhất của Nghị định 81. Từ năm học 2023-2024 trở đi, khung
học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội
của tỉnh, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế
hằng năm và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7%/năm.
Cũng theo bà Vi, nhiều tỉnh, thành phố khác cũng sẽ điều chỉnh tăng học
phí chứ không riêng Hải Dương. Tùy từng cấp học, việc tăng học phí được
áp dụng theo lộ trình. Cụ thể, đến năm học 2024-2025 trẻ mầm non 5 tuổi ở
các trường mầm non công lập sẽ được miễn học phí hoàn toàn và đến năm
học 2025-2026, học sinh THCS công lập cũng sẽ được miễn học phí. Riêng
học sinh tiểu học của các trường công lập tiếp tục được miễn học phí như
quy định cũ.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Khi biết có chủ trương tăng học phí tại các trường mầm non, giáo dục phổ
thông công lập, chị Phạm Thị Kim Anh ở xã Long Xuyên (Bình Giang) đề
nghị tỉnh chọn phương án tăng ở mức thấp nhất có thể. “Nhà tôi có 2 con,
cháu lớn chuẩn bị lên lớp 6, cháu nhỏ đang học mầm non, việc tăng học
phí cũng tác động không nhỏ đến chi tiêu của gia đình", chị Kim Anh nói.
Nhiều phụ huynh học sinh khi biết thông tin học phí tăng đều mong muốn
tỉnh phân kỳ tăng chứ không tăng liên tục và tăng với mức cao ngay từ
đầu. Nguyên nhân do vừa trải qua đại dịch Covid-19, đời sống người dân
vẫn khó khăn. Thời gian gần đây, giá nhiều loại hàng hoá tăng, đặc biệt
giá xăng liên tục tăng cao kéo theo chi phí sinh hoạt tăng. Nhiều doanh
nghiệp mới phục hồi sản xuất, kinh doanh, lương, thưởng cho người lao
động chưa tăng hoặc tăng ít...
Một số phụ huynh sau khi nghiên cứu về tờ trình của Sở Tài chính đăng
trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, ngoài băn khoăn về tăng học phí còn đề
nghị tỉnh xem xét chi tiết, cụ thể danh mục các khoản thu dịch vụ hỗ
trợ hoạt động giáo dục như tiền mua giấy thi, dụng cụ nấu ăn bán trú
hoặc tiền in đề thi, bằng tốt nghiệp... với mức thu phù hợp, để tránh
xảy ra tình trạng lạm thu ở các trường. Sau khi triển khai cần có phương
án giám sát các trường thu những khoản khác ngoài danh mục. Không những
vậy, nhiều phụ huynh mong muốn tăng học phí thì con em của họ phải được
hưởng môi trường giáo dục tốt hơn. Anh Nguyễn Văn Hải ở phường Tứ Minh
(TP Hải Dương) đề xuất nếu tăng học phí thì tỉnh nên tăng từ từ và mức
phù hợp với thu nhập của người dân. Không thể để người dân đóng học phí
tăng mà cơ sở vật chất trường lớp học không được quan tâm đầu tư xây
dựng.
Lãnh đạo một số trường trong tỉnh cũng đã nắm được chủ trương tăng học
phí. Họ cũng đề xuất tỉnh điều chỉnh mức tăng phù hợp và có lộ trình
tăng hợp lý. Cô giáo Vũ Thị Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Bình
(TP Hải Dương) cho biết: “Tăng học phí nên đi kèm với việc các trường
được quan tâm đầu tư nhiều hơn về cơ sở vật chất phục vụ dạy và học.
Lương của giáo viên cũng nên được cải thiện”.
Trong bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá, Bộ Tài chính dự kiến đề xuất
Chính phủ chưa tăng học phí trong năm 2022-2023. Trước thông tin này
tỉnh cần cân nhắc để có phương án tăng học phí phù hợp.