Lý Chiêu Hoàng là nữ đế duy nhất trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam. Bà lên ngôi trong khoảng thời gian ngắn, vai trò và tầm ảnh hưởng không lớn nên những gì mà người đời biết về Lý Chiêu Hoàng chỉ như gió thoảng mây bay, nhất là khi nhà Lý buộc phải rời khỏi vũ đài chính trị để nhường chỗ cho một triều đại mới với hào khí oai hùng đang lên. Chính vì vậy ít người biết rõ rằng Lý Chiêu Hoàng còn có một cuộc đời đầy những nỗi niềm suy tư, vui buồn, sướng khổ đan xen.
Nữ đế duy nhất Việt Nam trong vòng xoáy vương triều
Lý Chiêu Hoàng tên thật là Lý Phật Kim, còn có tên khác là Lý Thiên Hinh, sinh tháng 9 năm Mậu Dần (1218), là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông. Mẹ là Thuận Trinh (Thái hậu Trần Thị Dung), sau khi ra đời Lý Chiêu Hoàng được phong là Chiêu Thánh công chúa.

Hình ảnh tái hiện chân dung nữ đế duy nhất Việt Nam Lý Chiêu Hoàng.
Thời đó, Trần Thủ Độ đang giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ tính kế đoạt vương quyền về tay dòng họ mình, dưới sự đạo diễn của ông, một người cháu họ là Trần Cảnh, 8 tuổi được đưa vào cung làm Chánh thủ, có nhiệm vụ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng.
Sau khi kiểm soát được hoàng cung, Trần Thủ Độ cho loan báo rằng nữ hoàng đã có chồng, chính là Trần Cảnh. Thế là chuyện chơi bời, đùa nghịch của con trẻ trở thành chuyện tình duyên và bị lợi dụng trong việc “mưu bá đồ vương” nơi cung cấm. Chẳng mấy chốc ,Lý Chiêu Hoàng buộc phải chuyển giao quyền lực chính trị bằng cách nhường ngôi danh chính ngôn thuận cho chồng.
Câu chuyện tình bi hài của nữ đế duy nhất Việt Nam Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh
Sau khi truyền ngôi cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông), mở ra một thời đại mới trong lịch sử Việt Nam, Chiêu Hoàng được phong làm Hoàng hậu, đổi hiệu thành Chiêu Thánh. Năm 14 tuổi, Chiêu Thánh sinh con trai đặt tên là Trần Trịnh nhưng lại mất ngay sau đó. Nỗi đau đó khiến Chiêu Thánh đau ốm liên miên và suốt 5 năm tiếp theo, bà vẫn không thể sinh con nối dõi cho Trần Thái Tông.

Ảnh minh họa chân dung vua Trần Thái Tông.
Thái sư Trần Thủ Độ lúc bấy giờ ép vua phế ngôi Hoàng hậu của Chiêu Thánh, lập Thuận Thiên công chúa (chị gái ruột Chiêu Thánh) đang mang thai 3 tháng và là vợ của anh trai Trần Thái Tông, lên thay ngôi vị này. Ban đầu, Thái Tông hoàng đế phản đối, đang đêm bỏ trốn khỏi kinh thành, lên gặp sư Phù Vân ở Yên Tử để nương nhờ.
Trần Thủ Độ vừa dụ dỗ vừa gây sức ép, cuối cùng vua cũng phải chịu nghe theo. Thuận Thiên công chúa được phong làm hoàng hậu, còn Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Chiêu Thánh công chúa. Quá đau buồn và chán nản, Lý Chiêu Hoàng đã xin được rời khỏi cung cấm và xuất gia đi tu, đề xuất của bà nhanh chóng được chấp nhận.
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông được một vị tướng tên Lê Tần hộ giá cứu sống, một mình một ngựa lấy ván gỗ che cho vua khỏi trúng tên của giặc. Ghi nhận công lao to lớn này, vua đã phong tước cho Lê Tần là Lê Phụ Trần, đồng thời gả vợ cũ (Lý Chiêu Hoàng) cho.
Trần Thái Tông đã phải tìm gặp lại Lý Chiêu Hoàng để thuyết phục bà. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư có chép: “Vua nói rằng: “Trẫm nếu không có khanh (truyền ngôi), há lại có được ngày nay, khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc đến cùng”. Có lẽ ông muốn phần nào bù đắp những thiệt thòi và khổ đau mà bà đã phải gánh chịu.
Trước sự việc gây chấn động triều đình, “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần cũng ghi: “Hậu thế chẳng ai dám trách Lê Phụ Trần, chỉ tiếc cho vua Trần, rằng khen sao hay vậy mà thưởng sao lạ vậy. Trong đạo vợ chồng, Thái Tông chi mà bạc, bạc đến vậy, chi mà tệ, tệ đến vậy!“.
Lý Chiêu Hoàng sống với Lê Phụ Trần được 20 năm, sinh ra con trai là Thượng vị hầu Lê Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê. Đầu năm 1278, bà về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh). Tháng 3 âm lịch năm đó, bà mất, thọ 61 tuổi.

Tượng thờ nữ đế Lý Chiêu Hoàng ở đền Rồng – Từ Sơn, Bắc Ninh.
Tương truyền khi qua đời, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn tươi như hoa. Bà được an táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức. Sau này, bà được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng). Một số người cho rằng, vì bà đã để mất ngôi nhà Lý, nên bị coi là mang tội với dòng họ, không được thừa nhận và phải thờ riêng. Nhiều ý kiến khác cho rằng tuy Chiêu Hoàng là vua, nhưng suy cho cùng bà cũng chỉ là một phụ nữ, nên Lý Chiêu Hoàng không được thờ chung với các bậc tiên vương.
Cuộc đời của Lý Chiêu Hoàng có thể nói phải hứng chịu nhiêu đau đớn và cay đắng, khi từ hoàng đế xuống làm hoàng hậu rồi công chúa, sau đó lại bị chồng cũ gả cho tướng quân triều Trần. Nhưng không chỉ vậy, bà còn phải gánh trên lưng cái tiếng để cơ nghiệp hơn 200 năm nhà Lý rơi vào tay con nhà thuyền chài (nhà Trần).