Di tích Đình - Chùa KDC Kiệt Thượng (phường Văn An, TP Chí Linh) hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, quý hiếm như sắc phong, tư liệu Hán Nôm, vừa mang tính lịch sử, vừa đậm chất nghệ thuật khi trên đó khắc hoạ phong phú và sinh động các đề tài tứ linh, tứ quý thể hiện trình độ, tay nghề của nghệ nhân dân gian xưa.
Sáng 08/11/2022, UBND phường Văn An, KDC Kiệt Thượng long trọng tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Cụm di tích Đình - Chùa Kiệt Thượng.
Đ.c Nguyễn Hồ Ngọc - UVBTV Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, Đ.c Trần Ngọc Thức - UVBTV Thành ủy - Chỉ huy Trưởng BCH QS Thành phố Chí Linh, Đ.c Nguyễn Văn Thưởng - Thành ủy viên - Phó chủ tịch Thành phố cũng các đ.c lãnh đão trưởng các phòng, ban thành phố tham dự buổi lễ.
Tương truyền có ba chị em họ Thân làm quan thời nhà Ngô được nhà vua cử đi đánh quân Nam Hán xâm lược ở Tứ Giang - Nam Mẫu – Đông Triều. Khi quân giặc thua chạy, chị em bà về vùng đất Văn An ngày nay sinh sống và hình thành các thôn, làng từ đấy. Khi giặc quay lại, chị em bà tổ chức chiến đấu và hy sinh ở đây. Ghi nhận công đức của chị em bà, Nhà Vua phong cả ba người làm Thành Hoàng. Đình Kiệt Thượng thờ Trần Triều Công Chúa Tính Thân (hiệu Nương Trinh Đại Vương). Đình có 05 gian đình ngoài và 02 gian hậu cung với diện tích 270 m2. Gian giữ thờ Thành Hoàng Làng; Gian phía Tây có bia thờ con em của KDC đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Toàn bộ khuôn viên sân đình có tổng 1000 m2. Sân đình nát bằng gạch đỏ, xung quanh giếng đình được xây dựng bằng hàng rào bê tông, con tiện bao bọc xung quanh.
Chùa Huyền Thiên Tự có nguồn gốc từ chùa Huyền Thiên Cổ Tự – KDC Trại Sen (ngày nay). Trước kia chùa Huyền Thiên Tự thuộc KDC Kiệt Thượng, trong thời ký giặc Pháp bắn phá, chùa bị hư hỏng nặng, nhân dân đã chuyển toàn bộ các đồ thờ tự và tượng và lập lên chùa Huyền Thiên Tự ngày nay. Trải qua năm tháng, ngôi chùa đã xuống cấp, năm 2014 nhân dân KDC đã tiến hành tu bố sửa chữa trên nền chùa cũ là nhà Tổ với 03 gian có diện tích 70 m2 thờ 03 vị Tam tổ thiền phái Trúc Lâm. Bên trái là nhà thờ Mẫu 03 gian với diện tích 30 m2. Chùa chính là ngôi Tam Bảo với diện tích 290 m2 có 05 gian thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Ông, Thánh Hiền…
Lễ tiết hàng năm KDC quy định có 02 lễ chính:
Hội Chùa là 20 tháng giêng âm lịch. Hội Đình là 15 tháng 10 âm lịch.
Cụm di tích Đình - Chùa Kiệt Thượng là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, cố kết tình cảm của người dân. Giá trị văn hóa được thể hiện thông qua hoạt động tri ân, tưởng niệm, lễ hội của Nhân dân hướng về tiên tổ - những người không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển của Khu dân cư mà còn có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước.